Nhắc đến tháng 11, ai cũng nhớ đến ngày hiến chương nhà giáo, ghi nhận những công ơn dạy dỗ của thầy cô. Ý nghĩa ngày nhà giáo 20/11 ngày càng được mở rộng quy mô cũng như phổ biến rộng rãi, vượt ra khỏi khuôn viên nhà trường và các cơ sở giáo dục. Giờ đây, 20/11 trở thành một ngày lễ tết tri ân những con người, gương mặt đã góp phần dẫn lối mình trưởng thành và phát triển trên suốt quãng đường đời.
Ảnh: Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Nguồn gốc ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Xuất phát điểm lịch sử Ngày nhà giáo Việt Nam bắt đầu từ một tổ chức quốc tế của các nhà giáo dục tiến bộ thành lập ở Pari (Pháp) thành lập vào tháng 7 năm 1946 có tên là F.I.S.E (Fédertion International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục). Vào mùa xuân năm 1953, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã mở rộng quan hệ tham dự Hội nghị quan trọng kết nạp một số nước vào tổ chức với F.I.S.E tại Viên (Thủ đô nước Áo). Từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 8 năm 1975 tại thủ đô Warszawa (Ba Lan) đã diễn ra một buổi hội nghị F.I.S.E với 57 quốc gia tham dự quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam", hợp thức hóa trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam và gắn liền với phong tục tập quán của nước ta.
Ảnh: Nguồn gốc ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Ý nghĩa vào ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Ý nghĩa ngày nhà giáo Việt Nam đại diện cho tinh thần “tôn sư trọng đạo – uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người đã dìu dắt, dẫn lối và dạy bảo chúng ta trên hành trình trưởng thành bằng những đóa hoa tươi thắm, những món quà đặc biệt. Và như một thông lệ hàng năm vào ngày 20/11, hầu như tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trên toàn quốc đều có những hoạt động chào mừng dịp lễ này như: văn nghệ, báo tường, dựng trại, cắm hoa, làm thiệp, quà tặng, … với chủ đề tri ân những công ơn trồng người.
Ảnh: Ngày kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Giờ đây, ý nghĩa ngày nhà giáo 20/11 có thêm nhiều biến thể tích cực hơn, mang đến nhiều màu sắc đa dạng và tốt đẹp cho xã hội. Đối tượng được nhắc đến ngày 20/11 cũng mở rộng hơn, không chỉ giới hạn là thầy cô giáo trong khuôn khổ nhà trường nữa, mà có thể là những người đi trước, người hướng dẫn (coach, mentor) hoặc giả có thể là sếp, là đồng đội (partner) của bạn thuở chập chững làm quen với công việc, thậm chí là cuộc sống.
Ảnh: Trở về ngôi trường xưa trong ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Trân trọng những con người dẫn lối đã giúp bản thân mình định hướng con đường phát triển, tìm ra chân lý của cuộc sống, chỉ ra những lỗi sai để khắc phục ngày càng tiến bộ, trưởng thành hơn là một truyền thống quý báu của những người con đất Việt, bất kể tuổi tác, tầng lớp hay ngành nghề, chức vụ. Những lời cảm ơn, những món quà tặng được gửi đến đúng người hơn, thiết thực hơn, không còn là lễ nghi hình thức, không chứa đựng cảm xúc và sự chân thành.
20/11 là ngày hội mà các thế hệ học trò, “đệ tử”, hậu bối trong xã hội đều mong muốn gửi gắm cũng như bày tỏ những lời cảm ơn đến những tâm huyết của người thầy, người hướng dẫn một cách chân thành nhất. Mong rằng, những chia sẻ từ Liên Á sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa Ngày nhà giáo Việt Nam, giúp bạn trân quý hơn những người đã hỗ trợ, đồng hành suốt quãng thời gian phát triển để trưởng thành và chín chắn hơn.