Có một số tranh luận xung quanh việc có nên ngủ trưa hay không. Một bên cho rằng giấc ngủ trưa là sự nghỉ ngơi bổ sung cần thiết cho cơ thể trong ngày, giúp cải thiện trí nhớ. Bên khác lại cho rằng, giấc ngủ trưa có thể khiến đầu óc mất tập trung sau khi thức dậy, giảm hiệu suất làm việc và gây rối loạn giấc ngủ đêm.
Thực tế là giấc ngủ trưa không quan trọng bằng giấc ngủ đêm, về cả mặt thời gian, nhịp sinh học và tác dụng đối với cơ thể. Ngoài ra, giấc ngủ trưa có khi cần thiết và dễ dàng với người này nhưng lại không phù hợp với người khác. Vì thế, việc có nên ngủ trưa hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của cơ thể từng người, chế độ sinh hoạt và làm việc cá nhân.
Tại sao bạn buồn ngủ buổi trưa?
Không bàn đến trẻ em vì nhu cầu ngủ của trẻ em cao hơn người lớn, trẻ càng nhỏ thời gian ngủ trong ngày càng nhiều, vì thế giấc ngủ trưa với trẻ em là quan trọng và cần thiết. Nhưng với người lớn, bạn thường sẽ chỉ băn khoăn có nên ngủ trưa không khi bạn buồn ngủ và thấy mệt mỏi. Vậy tại sao cơn buồn ngủ đến với bạn vào buổi trưa?
Buổi trưa hay buồn ngủ do thói quen hoặc mệt mỏi
- Do thói quen: Não bộ con người sẽ ghi nhận nhịp sinh hoạt hàng ngày và thích nghi, khi bạn thường xuyên ngủ trưa thì cứ tới tầm giờ trưa là não bộ sẽ ra tín hiệu cho bạn đã đến lúc chợp mắt.
- Do thực phẩm có lượng đường cao: Khi nạp các món ăn có lượng đường cao vào cơ thể sẽ làm tăng lượng đường trong máu, dẫn tới việc bài tiết một lượng lớn insulin. Insulin sẽ tạo ra một loại axit amin đặc biệt là tryptophan đi vào trong đại não chuyển hóa thành serotonin khiến chúng ta buồn ngủ. Vì thế nếu buổi trưa bạn ăn các nhiều cơm trắng, xôi, bánh bao, mì, bánh mì trắng hay các loại chiên ngập dầu thì bạn sẽ dễ buồn ngủ hơn.
- Do cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ: Việc thức khuya ở đêm hôm trước hay làm việc quá tập trung, căng thẳng, cơ thể lao lực cũng sẽ khiến bạn cảm thấy buồn ngủ vào buổi trưa.
Tác dụng của giấc ngủ trưa
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra giấc ngủ trưa rất có ích với số đông người trung và cao tuổi. Với thanh niên hay người trẻ tuổi, có nên ngủ trưa không lại là câu hỏi mang tính cá nhân nhiều hơn, phụ thuộc vào việc giấc trưa mang lại tác dụng hay tác hại nhiều hơn với từng người.
Ngủ trưa giúp đầu óc tỉnh táo
Các tác dụng thường thấy của giấc ngủ trưa gồm:
- Đầu óc thư giãn, tỉnh táo
- Cơ thể thoải mái, bớt mệt mỏi
- Tâm trạng vui vẻ, tích cực hơn
- Phản xạ nhanh nhẹn hơn
- Tăng năng suất làm việc vào buổi chiều
- Trí nhớ tốt hơn
Tác hại không mong muốn của việc ngủ trưa
Với một số người, việc ngủ trưa lại mang đến một số phiền toái khó chịu như:
- Thức dậy thấy mệt mỏi, mất phương hướng: Sau giấc trưa ngắn bạn có thể thức dậy trong tình trạng giật mình, đầu óc choáng váng, cơ thể uể oải, mất một lúc sau mới định thần và tập trung được.
- Buổi tối khó ngủ hơn: Nếu bạn ngủ trưa quá lâu, hoặc quá trễ tới chiều sẽ gây rối loạn nhịp sinh học, cản trở cơn buồn ngủ vào buổi tối. Việc này càng nghiêm trọng hơn với người hay mất ngủ, khó ngủ, ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.
Khi nào bạn cần giấc ngủ trưa?
Có nên ngủ trưa không? Hãy lắng nghe cơ thể chỉ dẫn bạn. Bạn nên ngủ trưa khi:
1. Cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ
Khi cơ thể của bạn mệt mõi những cơn buồn ngủ bắt đầu ập đến và khiến cho cơ thể cạn kiệt sức lực. Chính vào thời điểm đó bạn nên cho đôi mắt cùng cơ thể nghỉ ngơi để cung cấp lại năng lượng.
2. Mất ngủ vào đêm hôm trước
Nếu như đêm hôm trước bạn bận chạy deadline, mất ngủ thì sáng hôm sau cơ thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của mất ngủ như: đau đầu, ngáp liên tục, mệt mõi,... Cho nên cho dù bận đến mấy vẫn nên giữ sức khỏe cho bản thân bằng giấc ngủ.
3. Muốn tập thói quen ngủ trưa khoa học
Để giấc ngủ trưa mang lại lợi ích cho cơ thể và không ảnh hưởng tới lịch sinh hoạt, làm việc, bạn nên tham khảo một vài lưu ý ngủ trưa đúng cách.
- Nên ngủ trưa trong khoảng thời gian giữa 12 giờ-14 giờ. Đây là khoảng thời gian lý tưởng vừa phù hợp với nhịp sinh học cơ thể, khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Theo đông y, thời điểm này dương khí vượng nhất, giấc ngủ trưa ngắn sẽ giúp cơ thể phục hồi nguyên khí, cải thiện tinh thần và thể lực, có lợi cho tim mạch.
- Tư thế ngủ trưa thoải mái. Lý tưởng nhất là ngủ trên giường nệm ở nhà. Nhưng ngay cả khi ở nơi làm việc, bạn vẫn có thể trải tấm nệm tiện dụng cá nhân với chiếc gối êm để nghỉ ngơi. Hoặc bạn có thể sử dụng gối tựa cổ chữ C để chợp mắt ngay trên bàn làm việc.
- Nên ngủ trưa trong khoảng 30 phút. Theo chu kỳ tự nhiên của giấc ngủ, sau khoảng 30 phút ngủ, bạn sẽ thức dậy khi đang ở giai đoạn ngủ nhẹ và sẽ dễ tỉnh ngủ hơn. Nếu ngủ lâu hơn bạn sẽ rơi vào giấc ngủ sâu, nên khi tỉnh dậy sẽ khó chịu, uể oải. Bạn nên đặt báo thức để thức dậy đúng lúc.
- Nên ăn vừa phải trước khi ngủ trưa. Một bữa ăn vừa đủ sẽ kích thích cơn buồn ngủ, đồng thời tránh việc căng bụng khó chịu vì quá no.
- Nên ngủ trưa ở không gian yên tĩnh, nhiệt độ thoải mái, ít ánh sáng. Môi trường ngủ thuận lợi sẽ khiến bạn nhanh chóng đi vào giấc ngủ hơn, tận dụng tối đa thời gian ngủ lý tưởng của mình
Chú ý đến sức khỏe bằng cách sắp xếp thời gian ngủ, nghỉ hợp lý. Ngủ trưa khoảng 30 phút có thể giúp tinh thần của bạn trở nên thoải mái, tươi tắn hơn, không nên ngủ trưa quá nhiều sẽ khiến buổi tối khó ngủ hơn.